Ngay sau khi xăng giảm, nhiều đại lý méo mặt với hàng chục nghìn lít giá cao đã nhập trước đó. Có đại lý còn "tố" doanh nghiệp đầu mối "bẫy" mình để xả hàng trước khi xăng giảm giá.
>Doanh nghiệp xăng dầu trần tình chuyện giảm giá nhỏ giọt

Ông Tuấn Anh, chủ đại lý xăng dầu ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, sau khi giảm giá xăng dầu, một số doanh nghiệp đầu mối đã giảm phí hoa hồng nên ông bị lỗ nặng. Trước thời điểm giảm giá, các đầu mối sẵn sàng hào phóng tăng phí lên tới 500 đồng đến 600 đồng mỗi lít để kích đại lý nhập nhiều hàng tránh lượng tồn kho cao. Tuy nhiên, ngay sau khi giảm giá, đầu mối lập tức hạ phí hoa hồng xuống còn 300 đồng.

"Chỉ riêng vận chuyển từ kho dưới Hải Phòng lên Hà Nội đã mất 220 đồng mỗi lít. Như vậy, đại lý chỉ còn lãi 80 đồng. Nếu nhập khoảng 50.000 lít xăng, doanh nghiệp chỉ lãi 4 triệu đồng, số tiền không đủ trả công nhân viên và tiền điện", ông Tuấn Anh bức xúc.

Phí hoa hồng thấp, hàng tồn kho nhiều nên đại lý lỗ hàng chục triệu đồng. "Tôi nghĩ phải mấy ngày nữa mới giảm nên thứ sáu tuần trước nhập về 16.000 lít, ai dè thứ hai đùng cái xăng xuống. Cộng với hàng tồn lỗ khẳm", chị Kiều Nga, chủ cây xăng trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân (TP HCM) tiếc rẻ.

Với hoa hồng 550-600 đồng mỗi lít, trước đợt giảm giá vừa rồi chị Nga "ôm" hơn 20.000 lít, nên nay đang lỗ hơn chục triệu đồng. "Sắp tới chắc không dám chơi kiểu này, mỗi lần chỉ dám nhập mấy nghìn lít, hết nhập tiếp, về không kịp thì trưng bảng hết xăng", chị Nga nêu biện pháp.

Tương tự, một chủ cây xăng ở quận Gò Vấp lấy hàng của Sài Gòn Petro cho biết trước khi xăng giảm giá được hưởng hoa hồng 580 đồng một lít, tuy nhiên ngay sau khi xăng giảm con số này chỉ còn 480 đồng. "Những lần giảm trước doanh nghiệp vẫn còn giữ trong khoảng 580-550-530 nhưng chỉ lần này xuống dưới 500 đồng", chủ cây xăng này nói.

Sài Gòn Petro có chính sách bảo hộ trong 3 ngày, tức sau khi lấy hàng 3 ngày, nếu giá giảm thì Sài Gòn Petro sẽ bù lại khoản chênh lệnh. "Tôi lấy hàng thứ 6, đến thứ 2 giá giảm, tính ra tới 4 ngày, trễ có một ngày nên đành phải ôm hơn 14.000 lít, tính ra lỗ cả gần chục triệu đồng", chủ cây xăng quận Gò Vấp tiếp tục trần tình.

Giá xăng giảm cùng lúc với phí hoa hồng giảm khiến cây xăng này lỗ nhiều tháng nay, chủ đại lý gặp không ít khó khăn khi tháng này còn gánh thêm chuyện nhà đèn tăng giá và chi phí đội lên.

Nếu không phải lo chuyện hoa hồng thì với những cây xăng khác, việc xăng liên tục biến động cũng có những mối lo khác. Theo anh Duy Quân, chủ cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, với việc xăng giảm và tăng nhiều lần nên trạm xăng đã đầu tư hẳn một hệ thống điều chỉnh giá liên hoàn để nhanh chóng thay đổi giá bán trên cột bơm, tránh hiện tượng khách chờ lâu do phải chỉnh bằng tay.

"Chỉ cần đến giờ, dừng bán, tự động các trụ bơm sẽ được thay giá. Nhiều nơi khác không trang bị hệ thống tự động nên phải điều chỉnh bằng tay tại cột bơm rất mất thời gian, khách hàng rất không hài lòng. Như đợt giảm giá vừa rồi, trời mưa mà bắt họ đợi lâu quá là điều không nên", anh Quân nói.

Đại lý xăng dầu than lỗ vì ôm hàng khi xăng giảm giá. Ảnh minh họa: Kiên Cường
Đại lý xăng dầu than lỗ vì ôm hàng khi xăng giảm giá. Ảnh minh họa: Kiên Cường

Các doanh nghiệp đầu mối cho rằng phí hoa hồng là câu chuyện cạnh tranh, không thể làm gì hơn. "Thù lao hoa hồng là cạnh tranh, giá thế giới, giá trong nước như vậy, chúng tôi không có cách nào khác, không thể cho cao hơn được", đại diện Sài Gòn Petro phân tích.

Lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối này cho biết việc lỗ hay lãi còn tùy vào cây xăng, vào việc bán được nhiều hay ít, nếu trạm xăng bán chỉ được 1.000 lít mỗi ngày thì khả năng lỗ cao, ngược lại bán đến 4.000-5.000 lít một ngày thì tất nhiên có lãi.

Cũng theo ông, doanh nghiệp đầu mối cũng không thể đưa ra hoa hồng quá thấp, vì nếu "ép" như vậy đại lý sẽ bỏ và đi lấy hàng của đầu mối khác. "Tất nhiên, quy định là mỗi đại lý chỉ được lấy một đầu mối, nhưng nếu mình cho thấp quá họ sẵn sàng cắt hợp đồng để chuyển qua đơn vị khác, trong hợp đồng ký kết ban đầu giữa 2 bên cũng quy định điều này", đại diện Sài Gòn Petro nói.

Sài Gòn Petro cho rằng, trừ chi phí vận chuyển, thì mức chiết khấu khoảng 400 đồng trở lên là đại lý có thể "sống" được.

Doanh nghiệp đầu mối Petec thì khẳng định tùy từng thời điểm mà mức hoa hồng sẽ được điều chỉnh, đại lý nói lúc nào cũng lỗ là không hợp lý.

"Trong kinh doanh có những lúc họ gặp khó khăn và cũng có lúc lãi nên phải xem xét kỹ, coi chi phí thế nào, doanh thu của họ ra sao trong một thời gian thì mới có thể nói rằng lỗ quá chịu không nổi. Không ai lỗ mà vẫn làm hoài", đại diện Petec nêu quan điểm.

Câu chuyện đại lý than lỗ không phải là mới, cứ khi có biến động về giá xăng dầu, phí hoa hồng được điều chỉnh là các chủ trạm xăng lại gặp khó khăn. Vào thời điểm tháng 4-5/2011 khi tin đồn xăng tăng giá lan rộng trên khắp cả nước, tình trạng nhiều cây xăng găm hàng tái diễn khiến nguồn cung thiếu, phí hoa hồng giảm rất thấp.

Mức chiết khấu lúc đó có khi giảm còn 85-100 đồng mỗi lít, một số đại lý phải bù thêm chi phí vận chuyển để bán lẻ xăng A92 đúng giá quy định. Các đại lý than lỗ 15 đồng một lít.

Đến cuối năm 2011, sau khi thanh tra Bộ Tài chính cho rằng để xảy ra lỗ, một số doanh nghiệp đầu mối đã mạnh tay chia hoa hồng cho đại lý cao hơn định mức. Tuy nhiên, đại lý than khoản chi này xuống quá thấp, có thời điểm lỗ lớn họ phải ngừng nhập hàng. Tháng 2 năm nay, câu chuyện này lại được lặp lại. Khi giá xăng thế giới lên nhanh, trong khi trong nước vẫn chưa tăng, đại lý bị giảm hoa hồng và chỉ nhận mức nhỏ giọt.

Kiên Cường - Hoàng Lan

Các tin khác
 
Hỗ trợ trực tuyến
Nhân viên kinh doanh
NV Kinh Doanh
Phone: 028 3536 8888
NV Kinh Doanh
Phone: 028 22 118 118
NV Kinh Doanh
Phone: 028 22 119 119
Chăm sóc khách hàng
NV Kinh Doanh
Mobile: 028 22 119 119
Hotline
Mobile: 0942 119 119
Email: info@alibaba.vn

Quảng cáo

Ads
Ads
Ads
Đang online :57 - Tổng truy cập : 93,370,053