13 tập đoàn, tổng công ty lỗ lũy kế 48.988 tỷ đồng năm ngoái. Trong đó EVN là "quán quân" với khoản lỗ 38.104 tỷ đồng, tiếp theo là Vinalines, Petrolimex, Xăng dầu Quân đội... Khoản nợ khó đòi trong năm cũng khổng lồ.
>Lỗ nghìn tỷ, Petrolimex vẫn trả lương cao
>Sướng như lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011. Trong 91 tập đoàn, tổng công ty, có 65 đơn vị đã kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất và 73 công ty mẹ đã được kiểm toán báo cáo tài chính. So với năm 2010, ngoài doanh thu tăng cao 25%, các chỉ tiêu cơ bản khác của các tập đoàn, tổng công ty đều tăng trưởng rất nhẹ. Cụ thể , vốn chủ sở hữu tăng 9,3%, tổng tài sản tăng 16% và lợi nhuận trước thuế năm 2011 chỉ tăng 12% so với năm 2010.

Một số chỉ tiêu cơ bản thực hiện trong năm 2011 của các tổng công ty, tập đoàn.

Tính đến hết năm 2011, các tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam mang về doanh thu 1.577.311 tỷ đồng, làm ra 135.111 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên vốn chủ là 18,57%.

Ngược lại, những con số thua lỗ của các tập đoàn lớn lại rất cao - lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Báo cáo cho biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty có những khoản lỗ phát sinh và lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng. EVN tiếp tục đứng đầu bảng thua lỗ này khi lỗ hợp nhất 2.589 tỷ đồng, đó là chưa kể lỗ do chênh lệch tỷ giá 11.208 tỷ đồng. Tiếp sau là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ hợp nhất 2.390 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng lỗ hợp nhất 791 tỷ đồng.

EVN trở thành quán quân thua lỗ trong năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà.
EVN trở thành quán quân thua lỗ trong năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà.

Tính đến cuối năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới 48.988 tỷ đồng, trong đó EVN đóng góp phần 78% số lỗ này khi lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng. Theo báo cáo, EVN lỗ do sản xuất kinh doanh điện là 11.437 tỷ đồng và lỗ 26.667 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ 5.738 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 2.390 tỷ đồng. Tổng công ty xăng dầu Quân đội cũng lỗ 566 tỷ đồng trong năm 2011.

Riêng Petrolimex, đơn vị này đã bất ngờ bứt phá và lãi hơn 800 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho biết, lãi sau thuế quý III của Petrolimex đạt 423 tỷ đồng, 9 tháng đạt gần 795,6 tỷ đồng.

Báo cáo Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội cũng cho hay: "Có tổng công ty không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính". Báo cáo dẫn chứng các trường hợp như: Tổng công ty Dâu tằm tơ, vốn chủ sở hữu âm 281 tỷ đồng, Tổng công ty xây dựng đường thủy âm 604 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Đây là những tổng công ty gặp khó khăn từ lâu nay nhưng chưa khắc phục được.

Cơ cấu nợ của các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2011.
Cơ cấu nợ của các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2011.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy các tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp. Cụ thể, hệ số tự tài trợ bình quân (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản) là 0,34 lần. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/tổng nợ phải trả) là 1,62 lần.

Thua lỗ lớn, phụ thuộc nhiều vào ngân hàng nhưng các tập đoàn, tổng công ty cũng đang phải gánh những khoản nợ khó đòi khổng lồ. Báo cáo do Bộ trưởng Vương Đình Huệ thừa ủy quyền ký nhận xét: “Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có nợ phải thu khó đòi và tỷ lệ nợ này trên tổng số nợ phải thu hoặc trên tổng tài sản ở mức cao, tập trung chủ yếu ở những ngành xây dựng, thương mại dịch vụ”.

Danh sách những đơn vị có nợ phải thu khó đòi trên 100 tỷ đồng là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (408 tỷ đồng); Tập đoàn Sông Đà 366 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam 353 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng không Việt Nam 161 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội 133 tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam 136 tỷ đồng; Tập đoàn Dệt may Việt Nam 115 tỷ đồng…

Cơ cấu đầu tư ngoài ngành trong năm 2011 của các tập đoàn, tổng công ty.
Cơ cấu đầu tư ngoài ngành trong năm 2011 của các tập đoàn, tổng công ty.

Trong năm 2011 các công ty mẹ đã đầu tư vào 5 lĩnh vực ngoài ngành như chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản với số tiền 23.744 tỷ đồng. Như vậy so với năm 2010, các công ty này đã mạnh tay rót thêm 2.056 tỷ đồng vào các lĩnh vực nhạy cảm như thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản. Theo thống kê, lĩnh vực ngân hàng chiếm tỷ lệ đầu tư ngoài ngành nhiều nhất với 11.403 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2011, lĩnh vực bất động sản là được các doanh nghiệp nhà nước rót thêm nhiều vốn nhất. Tính đến 31/12/2011, các công ty mẹ đã đầu tư 9.286 tỷ đồng (tăng 2.840 tỷ đồng so với năm 2010).

Bài toán thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng được nhắc đến trong báo cáo này nhưng với khả năng khó thực hiện. "Do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế nói chung cũng như của thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng nên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này tiếp tục gặp khó khăn", báo cáo cho hay.

Thanh Thanh Lan

Các tin khác
 
Hỗ trợ trực tuyến
Nhân viên kinh doanh
NV Kinh Doanh
Phone: 028 3536 8888
NV Kinh Doanh
Phone: 028 22 118 118
NV Kinh Doanh
Phone: 028 22 119 119
Chăm sóc khách hàng
NV Kinh Doanh
Mobile: 028 22 119 119
Hotline
Mobile: 0942 119 119
Email: info@alibaba.vn

Quảng cáo

Ads
Ads
Ads
Đang online :323 - Tổng truy cập : 93,336,901