Trong khi ngành điện than thiếu vốn vì giá điện vẫn thấp, thì Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Trần Viết Ngãi chỉ ra rằng 7,2 cent mỗi kWh như hiện nay không hề rẻ.
>Giá điện tăng 5% từ ngày 1/7
>Giá điện 2012 không đủ bù lỗ cho EVN

Diễn đàn phát triển thủy điện nhỏ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/7 lại trở thành nơi để các bên tranh luận giá điện ở Việt Nam hiện nay cao hay thấp, sau gần hai tuần Tập đoàn Điện lực đột nhiên tăng giá bán lẻ.

Tổng thư ký Hội Điện lực Việt Nam Đàm Xuân Hiệp cho hay, ngành điện Việt Nam vẫn đang phát triển một cách nhọc nhằn và luôn trong tình trạng đói vốn mà nguyên nhân chủ yếu là giá điện còn thấp. Ông Hiệp phân tích, chỉ hợp lý nếu bán với giá 8-9 cent mỗi kWh, nhưng ở Việt Nam chỉ bằng 60-70%.

"Giá như vậy là bị nén quá mức dẫn đến thị trường méo mó", ông Hiệp cho hay.

Ông Hiệp tính toán, giá điện bán lẻ của Việt Nam hiện nay mới chỉ khoảng 6,5 cent mỗi kWh (chưa tính VAT), trong khi đó, cách đây 4-5 năm, con số này ở Nhật Bản đã lên tới gần 20 cent, còn Singapore, Hàn Quốc lần lượt là 14,3 và 10,2 cent. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia cũng cao hơn 20-30% giá điện của Việt Nam.

'Giá điện 7,2 cent mỗi kWh không phải là thấp'. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông Hiệp, nếu không tăng giá thì ngành điện sẽ thiếu vốn, dẫn đến tình trạng cắt điện, sản xuất khó khăn. Ngoài ra thiệt hại do sản lượng bị mất sẽ cao gấp nhiều lần so với giá thành sản xuất ra sản lượng đó.

"Để có vốn cho đầu tư phát triển chỉ có cách duy nhất là tăng giá bán lẻ", ông Hiệp kiến nghị.

Tán đồng quan điểm này, ông Vũ Ngọc Cừ, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho hay, tỉnh có 20 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa đang hoạt động, 26 công trình thi công dang dở. Mặc dù đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế miền núi song ông Cừ cho hay đầu tư thủy điện khó vì vốn lớn. Khó khăn về vốn khiến tiến độ thi công chậm của nhiều dự án, đơn cử mỗi MW lên tới 25-30 tỷ đồng, chưa tính đầu tư đường dây truyền tải.

Ông Cừ kiến nghị cần có khung giá mua điện hợp lý để giảm bớt khó khăn cho nhà đầu tư. "Giá Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện của Trung Quốc lên tới 1.300 đồng mỗi kWh, trong khi mua của các nhà máy thủy điện chỉ khoảng 800-900 đồng. Sự chênh lệch bất hợp lý này khiến doanh nghiệp đói vốn”, ông Cừ nói.

Trong khi nhà đèn liên tục kêu lỗ vì giá bán điện thấp hơn giá thành, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng giá điện hiện nay lên tới 1.506 đồng (đã bao gồm VAT), tương đương với 7,2 cent không phải là mức thấp. "Không nên so sánh với những nước có giá điện 20-30 cent mỗi kWh, bởi nền kinh tế Việt Nam cũng như đời sống người dân còn khó khăn", ông Ngãi thẳng thắn.

Ông Ngãi nhìn nhận, việc tăng giá điện tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ và đời sống nhân dân cũng như sức khỏe nền kinh tế. Mùa khô, thời kỳ cao điểm, điện thiếu, EVN phải huy động chạy dầu thì cần tăng giá điện. "Ngược lại, mùa mưa, khi thừa điện, người dân không dùng nhiều là giá phải giảm", ông Ngãi nói.

Điều vô lý theo ông Ngãi là xăng dầu có lúc tăng lúc giảm nhưng ngành điện thì chưa bao giờ hạ nhiệt. Cụ thể, giá điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh đồng loạt được điều chỉnh tương đương 5% theo ông Ngãi là không thỏa đáng. Bởi vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, Thủy điện Sơn La sắp hòa lưới với 2.400 MW. "Điện năm nay sẽ thừa, vậy lý do gì để tăng giá. Vừa rồi, theo tôi không nên tăng mà phải giảm. Ngành điện chỉ quan tâm tới tăng giá, chưa bao giờ hạ giá", Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam thẳng thắn.

Cuộc họp do VCCI tổ chức được diễn ra sau gần hai tuần giá điện tăng. Từ đầu năm đến nay, EVN nhiều lần nhấp nhổm xin tăng giá vì lý do lỗ, giá bán điện thấp chưa thu hút được các nhà đầu tư. Hồi tháng 3, “nhà đèn” khẳng định đang tính toán các thông số đầu vào cơ bản gồm biến động giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát để cân nhắc thời điểm tăng giá điện. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó vài ngày, Tập đoàn Điện lực đã ra thông báo khẳng định chưa đề xuất tăng giá điện. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhiều lần tránh câu hỏi về thời điểm tăng giá.

Tuy nhiên, 20h ngày 29/6, thông báo tăng giá điện lên 5% được EVN bất ngờ phát đi khiến không ít người ngỡ ngàng. Thậm chí, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho rằng EVN "cần rút kinh nghiệm" vì đã “không khéo” trong việc tuyên truyền, công khai lý do tăng giá.

EVN đang nợ khoảng trên 11.000 tỷ đồng. Với việc tăng giá điện mới, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm khoảng trên 3.700 tỷ đồng và "nhà đèn" khẳng định việc điều chỉnh giá bán điện ngày 1/7 có tác động không lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng việc EVN tăng nhầm thời điểm sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm suy kiệt. Theo ông Ngãi, điện tăng giá không phải là giải pháp để EVN bù lỗ, bởi con số thu được từ tăng giá điện không nhiều.

Từ nay đến 2020 ngành điện cần 48 tỷ đôla, bình quân mỗi năm cần trên 4 tỷ đôla. Thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014), thị trường bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và thị trường bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Như vậy sau 17 năm, một con số theo ông Ngãi là quá dài, thị trường điện cạnh tranh mới được hình thành. Mặc dù manh nha từ năm 2005 song thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chỉ là hình thức bởi EVN vẫn "ôm" các tổng công ty phát điện.

Ông Ngãi cho rằng, EVN chỉ nên quản lý các nhà máy đa mục tiêu, các tập đoàn lớn như Sông Đà, PetroVietnam và Vinacomin cần vào cuộc mạnh hơn để thúc đẩy quá trình hinh thành thị trường điện được hình thành nhanh chóng. "Chỉ khi nào thị trường điện hình thành, giá công khai minh bạch thì ngành điện mới phát triển được", ông Ngãi nói.

Hoàng Lan

Các tin khác
 
Hỗ trợ trực tuyến
Nhân viên kinh doanh
NV Kinh Doanh
Phone: 028 3536 8888
NV Kinh Doanh
Phone: 028 22 118 118
NV Kinh Doanh
Phone: 028 22 119 119
Chăm sóc khách hàng
NV Kinh Doanh
Mobile: 028 22 119 119
Hotline
Mobile: 0942 119 119
Email: info@alibaba.vn

Quảng cáo

Ads
Ads
Ads
Đang online :74 - Tổng truy cập : 93,367,188